Tiêu chí nào làm nên căn hộ thông minh thời 4.0?
Công dân của thế kỷ 21 đang sống trong những căn hộ ứng dụng công nghệ hiện đại và các thiết bị thông minh. Nhà thông minh vì thế trở thành xu hướng và là đại diện cho các căn hộ và nhà ở thời đại 4.0. Tuy nhiên, liệu có một tiêu chuẩn rõ ràng cho khái niệm “căn hộ 4.0”, liệu người dùng có đang thực sự được hiểu đúng và đủ về xu hướng này?
Thực trạng “căn hộ 4.0” tại Việt Nam
Theo chia sẻ của TS.KTS. Nguyễn Việt Huy, Giám đốc CTCP ADA và Cộng sự (Pháp), đồng thời là Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội: “Loại hình này đã du nhập đến Việt Nam cách đây khoảng 10 năm, nhưng phải vài năm trở lại đây mới được biết đến nhiều khi quá trình đô thị hoá, phát triển kinh tế cũng như hội nhập thế giới được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, cụm từ căn hộ 4.0 đang bị lạm dụng bởi bản chất ngành xây dựng ở nước ta chỉ mới tiệm cận với khái niệm này chứ chưa thực sự chinh phục, chế ngự được những ưu thế mà nó mang lại.”
Tại Việt Nam, về mặt pháp lý, hoàn toàn chưa có các quy định một căn hộ 4.0. Vì thế, khách quan mà nói thì căn hộ 4.0 đang chỉ phát triển với số lượng ào ạt, còn về chất lượng thì vẫn là một “dấu hỏi lớn”.
Nắm bắt tâm lý khách hàng và xu hướng xã hội mong muốn cuộc sống tiêu chuẩn tiện nghi, các chủ đầu tư thường “gắn mác” 4.0 cho các căn hộ hay kể cả biệt thự, tòa nhà, nhất là khi những quy chuẩn cho căn hộ thông minh chưa được xác định rõ ràng.
Những lầm tưởng về “căn hộ 4.0”
Có nhiều ý kiến cho rằng, một căn hộ chỉ cần sử dụng thêm một vài thiết bị điện tự động sẽ được xem là căn hộ 4.0. Sử dụng các thiết bị thông minh mang lại nhiều tiện nghi cho cuộc sống, tuy nhiên đây chưa phải điểm cốt lõi của một căn hộ thông minh. Hơn nữa, điều này còn trở nên đáng lo ngại nếu như chủ đầu tư không biết vận dụng các thiết bị một cách chính xác hoặc khách hàng chưa có những kiến thức đầy đủ, dẫn đến việc sử dụng các thiết bị thông minh chưa được kiểm chứng, cấp các chứng chỉ an toàn.
“Vì vậy, muốn sở hữu được căn hộ 4.0, người tiêu dùng trước hết phải 4.0. Người dùng phải thực sự có những hiểu biết nhất định về khái niệm 4.0, từ đó nắm được bản chất của nó là gì nhằm dễ dàng nhận biết sự khác nhau giữa các sản phẩm mà chủ đầu tư chào bán.” – TS.KTS. Nguyễn Việt Huy chia sẻ.
Bên cạnh đó, do sự khác biệt về khí hậu, địa hình, phong tục, đời sống của người dân Việt Nam nên không phải thiết bị thông minh nào nhập từ các nước phát triển cũng sẽ phù hợp với đời sống của người dân. “Do đó, ở nước ngoài, các thiết bị có thể thông minh nhưng chưa chắc khi đến Việt Nam nó đã đảm bảo được điều này, hoặc nó chỉ thông minh cục bộ, còn khi đi vào hệ thống thì không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.” – TS.KTS. Nguyễn Việt Huy giải thích. Một giải pháp thông minh sẽ chỉ thực sự “thông minh” khi nó được làm ra phù hợp với cuộc sống của người dùng.
Tiêu chí của căn hộ 4.0
Tính an toàn
Trước hết, bất kể một công trình nào ra đời cũng đòi hỏi được xây dựng đảm bảo tính an toàn – trong xây dựng, thi công và sử dụng, tức là tất cả các quy chuẩn về xây dựng cần được thực hiện đúng, không sai sót. Chỉ khi nền tảng an toàn được thiết lập vững chắc thì những mong muốn của con người về sự thông minh của căn hộ mới được đảm bảo.
Tính tiết kiệm
Theo TS.KTS. Nguyễn Việt Huy, “thông minh nhưng không tiết kiệm là thông minh thiếu bền vững, hay nói một cách chính xác hơn là không thông minh”. Tiết kiệm cần đảm bảo ở tất các quá trình từ xây dựng đến thiết kế, vận hành… Bởi lẽ quỹ tài nguyên của chúng ta là có hạn nhưng nhu cầu thì chưa bao giờ hết và chắc chắn sẽ ngày một tăng. Vì vậy, vấn đề tiết kiệm trong xây dựng luôn cần thiết được đề cao, chú trọng hơn hết.
Tính tiện nghi
Nói đến “thông minh” điều chúng ta nghĩ ngay đến là sự tiện nghi mà nó đem lại. Một căn hộ thông minh cần đảm bảo được sự tiện nghi cho sinh hoạt thường ngày của con người. Như thế, trước hết, yếu tố thông gió và ánh sáng tự nhiên cần được cung cấp đầy đủ. Ngoài ra, sự tiện nghi của căn hộ còn được thể hiện ở việc áp dụng các xu hướng mới về các giải pháp thông minh để tối ưu hóa cuộc sống con người.